Bí ẩn sức mạnh của âm thanh: Lạt-ma Tây Tạng niệm chú nâng đá tảng!
23/02/2024 -
Lượt xem: 107
Ở xứ sở huyền bí Tây Tạng có những câu chuyện khiến người ta phải kinh ngạc. Một trong số đó là việc các Lạt-ma ở đây sử dụng sức mạnh của âm thanh - để nâng những khối đá nặng hàng tấn lên độ cao hàng trăm mét.
Họ đã dùng phương pháp này để xây dựng các tu viện cheo leo trên vách đá!
Sức mạnh của âm thanh: Các nhà sư Tây Tạng sử dụng những chiếc kèn khổng lồ để nâng những tảng đá nặng hàng tấn, đưa lên cao, vào vị trí của công trình xây dựng trên núi cao. (Ảnh qua Asianotizie.com)
Tây Tạng được mệnh danh là thánh địa Phật giáo linh thiêng lâu đời. Cũng chính vì vậy, nơi đây đã xuất hiện rất nhiều kỳ tích mà thế giới không thể tưởng tượng được.
Liệu con người có thể điều khiển đồ vật bay lên, hay khiến tảng đá nặng cả tấn tự dịch chuyển đến nơi mong muốn? Điều này tưởng chừng như chỉ có trong những bộ phim viễn tưởng. Nhưng ở Tây Tạng, điều này là có thể.
Năm 1939, một bác sĩ Thuỵ Điển đã tận mắt chứng kiến các Lạt-ma Tây Tạng dựa vào tấu nhạc và niệm kinh mà nâng được khối đá nặng hàng tấn lên không trung, rồi đặt gọn khối đá vào vị trí của công trình xây dựng. Chắc chắn ở đây phải có một điều bí ẩn nào đó.
Dùng âm thanh để di chuyển khối đá lớn ở Tây Tạng
Năm 1997, trong cuốn sách “The Bridge to Infinity”, tác giả Bruce Cathie đã kể về câu chuyện do chính Tiến sĩ y khoa Jarl, người Thụy Điển, tốt nghiệp đại học Oxford tận mắt chứng kiến.
Trong lần ghé thăm Tây Tạng để chữa bệnh cho một Lạt-ma, tiến sĩ Jarl đã chứng kiến các tăng nhân ở đây sử dụng âm thanh từ những cây kèn dài và niệm chú - để đưa những tảng đá nặng hàng tấn lên những vách núi thẳng đứng cao hàng trăm mét.
Tiến sĩ thấy rằng xung quanh sườn núi là những vách đá cao chót vót, có một hang động cách mặt đất 250m - là nơi mà các tăng nhân muốn đưa một tảng đá có kích thước 1 x 1,5 m lên.
Để làm được điều này, họ đã dùng 13 chiếc trống và 6 chiếc kèn, xếp thành một hình cung là một phần tư hình tròn có bán kính 63 m, được đặt cố định trên các giá treo và có thể điều chỉnh để hướng chính xác về tảng đá.
Gần 200 tăng nhân xếp thành các hàng khoảng 8 đến 10 người/hàng, đứng ở phía sau 19 nhạc cụ này. Khi tất cả mọi người đã vào vị trí, một tăng nhân phát tín hiệu bắt đầu trình diễn.
Những chiếc trống nhỏ tạo thành âm thanh sắc nhọn có tần số cao phi thường, những chiếc trống lớn tạo âm thanh trầm hơn với cường độ cực lớn và ngân dài. Các tăng nhân phía sau đồng thanh tụng kinh với nhịp độ càng lúc càng nhanh.
Không có gì xảy ra trong 4 phút đầu tiên. Nhưng khi tiếng trống và tiếng tụng niệm càng lúc càng dồn dập, thì tảng đá bắt đầu lắc lư rồi đột nhiên bay lên không trung theo hướng cửa động - với tốc độ tăng dần. Sau 3 phút đi lên, nó hạ một cách nhẹ nhàng xuống cửa động trên vách đá.
Cảnh tượng diễn ra thật phi thường. Những tảng đá (cùng kích thước với những tảng đá dùng để xây kim tự tháp) chỉ mất 3 phút để vào đúng vị trí. Bằng cách này, họ đã di chuyển được 5-6 tảng đá lớn trong một giờ.
Một hình vẽ mô tả hiện trường các nhà sư Tây Tạng nâng phiến đá lên hàng trăm mét nhờ sức mạnh của âm thanh. (nguồn: bibliotecapleyades.net)
Vị tiến sĩ sợ rằng mình có thể bị thôi miên, nên đã đặt máy quay phim để quay lại toàn bộ quá trình. Những đoạn tài liệu này vì lý do nào đó đã bị các nhà chức trách của Anh “phân loại” và đến nay nó vẫn chưa được công bố ra công chúng.
Cảnh tượng ngoạn mục này đã hé lộ một bí mật từ lâu nay, đó là sự rung động và nén của trường âm thanh có thể làm mất tác dụng của lực hấp dẫn.
Ngày nay, có nhà khoa học phát hiện ra tính phản trọng lực của âm thanh, cũng có thể khiến đồ vật bay lên.
Mật mã Mạn Đà La kích hoạt máy bay 88 vạn năm trước?
Trong sử thi Ramayana - bảo thư quốc gia của Ấn Độ vào thế kỷ thứ 4 sau CN, có mô tả về một cảnh chiến tranh vào 88 vạn năm trước. Đó là một thời kỳ vô cùng xa xôi, nhưng nếu chứng kiến chiến tranh thời viễn cổ này, sẽ có thể khiến người hiện đại phải choáng váng bởi vũ khí dùng thời đó vô cùng huyền diệu và mạnh mẽ.
Phương tiện thời này sử dụng là các chiến xa trên không gọi là Vimana.
Vimana có các loại và cách sử dụng khác nhau, tương đương với các động cơ khác nhau, dùng làm nhiệm vụ trinh sát. Chúng còn có khả năng tàng hình. Có loại chuyên dùng để chiến đấu, có loại dùng để chở người.
Vimana loại lớn có thể chở được tới hơn trăm người, khá giống với máy bay hành khách ngày nay. Nó có thể xuất hiện hoặc biến mất tùy theo ý muốn của chủ nhân.
Theo như sử thi Ramayana nói rằng, trong một ngày nó có thể bay xuyên qua khắp tiểu lục địa Nam Á - có nghĩa là nó có thể bay 2.110 km.
Điều gây kinh ngạc nhất là động lực của phi cơ thực ra lại là một chú ngữ cổ đại. Chính là khi bạn nói một câu Thần chú nào đó liền có thể khởi động hệ thống động lực của phi cơ, cũng giống như câu ‘vừng ơi mở ra’ của Alibaba.
Nó hoàn toàn được điều khiển bằng giọng nói. Có lẽ cách giải thích này khiến con người ngày nay không thể tiếp nhận được, vì thế mọi người đều coi Ramayana như huyền thoại cổ đại.
Tuy nhiên, vào những năm 1960 của thế kỷ 20, nhà khoa học Thụy Sĩ Hans Jenny đã công bố các bức ảnh cùng câu chuyện khiến cả thế giới sửng sốt. Đó chính là ông niệm âm “Om” - chữ đầu tiên trong câu thần chú phổ biến trong Phật giáo - Om Mani Padme Hum – Lục Tự Đại Minh Chú.
Ông vừa đọc được câu chú này trong một cuốn sách giới thiệu về Tây Tạng và muốn thử dùng nó. Sau đó, sự việc kỳ lạ xảy ra. Cát thạch anh mà ông đặt trên tấm kim loại dần dần kết hợp thành một hình ảnh cực kỳ phức tạp. Điều khiến nhà khoa học Hans vô cùng kinh ngạc là nó quá giống với biểu tượng Mạn Đà La (Mandala) trong cuốn sách ông vừa đọc.
Mandala Kim cương giới, Tây Tạng, thế kỷ 19. Các vị Thần ở trong và ngoài một vòng tròn khép kín ở giữa mandala. (Ảnh: Wikipedia)
Mạn Đà La (Mandala) là từ tiếng Phạn - ngôn ngữ Ấn Độ cổ, ý nghĩa có thể dịch là “bánh xe tròn đầy đủ” (viên luân cụ túc). Đại ý là bên trong nó có vô tận các hình tròn đan xen với nhau - chứa tất cả bí mật của sinh mệnh và vũ trụ.
Hết lần này tới lần khác, Hans tiến hành lặp lại thực nghiệm này và đều cho ra rất nhiều hình dạng Mandala khác nhau. Điều này dẫn đến một suy đoán rằng: Thần chú thực sự có hình ảnh, phù hiệu và năng lượng đặc biệt tương ứng.
Khi mọi người nhận ra sự kỳ diệu này của âm thanh, trên khắp thế giới diễn ra hàng loạt các cuộc thực nghiệm liên quan.
Chiếc kèn didgeridoo của thổ dân châu Úc
Con người ngày nay không ngừng khám phá tác dụng của âm thanh, trong đó có hiệu ứng thú vị mà sóng âm của chiếc kèn didgeridoo phát ra.
Kèn didgeridoo là loại kèn truyền thống của người thổ dân Châu Úc, có chiều dài từ 1 đến 3m, phần rỗng bên trong của chiếc kèn là những hốc cộng hưởng đặc biệt - được tạo một cách tự nhiên bởi côn trùng.
Người ta đã phát hiện rằng âm thanh từ những chiếc kèn này khi phát ra và phản xạ từ mặt đất có thể tạo ra sóng dừng - khiến những tờ giấy mỏng được giữ lơ lửng trong không khí tại vị trí của nút sóng dừng, như video dưới đây:
Hay thú vị hơn, người ta dùng sóng âm chiếc kèn didgeridoo để tạo ra những con sóng dừng của dòng suối.
Hiện tượng này đã được các nhà khoa học giải thích ở video sau:
Một trường hợp khác là quả bóng bay lên với âm tần nhất định. Một hôm, nhà vật lý học Angelo Esposito của đại học Colombia đang ở phòng thí nghiệm thu dọn đồ, ông thuận tay đặt quả bóng bàn vào trong máy phát âm tần bên cạnh, rồi bật máy; bất ngờ ông chứng kiến quả bóng bàn dần dần bay lơ lửng lên.
Angelo nhanh chóng thay đổi tần số âm và phát hiện: Chỉ với âm tần nhất định thì quả bóng mới bay lên, âm tần khác nhau cũng khiến quả bóng bay lên cao thấp khác nhau.
Điều này mang đến bất ngờ thú vị cho giới học thuật. Nhưng dường như, người xưa đã có những bước tiến vượt xa các nhà khoa học ngày nay. Vào thế kỷ thứ X, nhà lịch sử Arap Al-Masudi có viết một câu chuyện về việc ông tới thăm Ai Cập và đã được nghe một thông tin bí mật cổ.
Bí mật Ai Cập cổ về công nghệ xây dựng Kim tự tháp
Al Masudi viết rằng Kim Tự Tháp được xây dựng như thế này: “Những người xây dựng trước tiên dùng giấy cói có phép thuật ấn vào 4 mặt dưới của phiến đá to cần phải di chuyển, sau đó dùng cây gậy bằng vàng gõ vào phiến đá đó, nó sẽ phát ra âm thanh với tần số đặc biệt.
Tiếp theo là cảnh tượng kinh ngạc, phiến đá dần dần bay lên không, tới một độ cao thì dừng ở trên đó. Rồi người cầm gậy đi gõ phiến khác khiến nó bay lên nhờ sóng âm, khiến các tảng đá khổng lồ bay lên...
Trong cả quá trình này, cây gậy bằng vàng đóng vai trò quan trọng nhất. Thông thường, người cầm gậy sẽ sắp xếp các khối đá, để chúng bay lên phía trước mình khoảng 45m thì dừng lại, giống như dừng lại để kiểm tra đội ngũ đã chỉnh tề chưa… Sau đó người cầm gậy tiếp tục gõ vào đá, phát ra hiệu lệnh, cho phép chúng tiếp tục bay, cho tới khi các tảng đá tới được vị trí cần thiết”.
Người cầm gậy đó giống như người điều phối tại công trường thi công, chỉ huy máy móc; lại cũng giống như nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Điều này khác xa với những gì chúng ta tưởng tượng về hình ảnh những người nô lệ cực nhọc dưới nắng gắt, bị những quản đốc cầm roi da quát mắng, hay phải dùng ròng rọc, đòn bẩy, đắp đất làm dốc để đẩy những khối đá xây dựng Kim Tự Tháp.
Thực ra, tại một nghi lễ Thần bí, họ đã dùng phương thức rất nghệ thuật, đó là cầm cây gậy vàng, gõ chỗ này, gõ chỗ kia, cuối cùng kiến tạo nên Kim Tự Tháp vĩ đại.
Từ lĩnh vực khoa học, thì thực sự rất khó tìm ra cách nào giải thích hợp lý hơn. Nhưng lý giải từ góc độ của ‘thanh lưu học’ mới nổi lên gần đây, thì câu chuyện trên không hề huyễn hoặc.
Lạp tử âm thanh phonon có đặc tính phản trọng lực. Nó có thể khiến quả bóng bàn bay lơ lửng trên không, đương nhiên cũng có thể khiến tảng đá to bay lên. Vấn đề chỉ là chúng ta có thể tìm ra được chìa khóa vận dụng một cách hiệu quả loại năng lượng này hay không.
Ngày nay, các nhà khoa học cũng có thể dùng các máy phát âm thanh và loa công suất lớn cộng hưởng với nhau để nâng những tảng đá nặng hàng chục đến hàng trăm cân như ở video sau:
Chắc hẳn chúng ta đều sẽ ngạc nhiên về tác dụng to lớn của âm thanh, như các cao tăng Tây Tạng có thể vận dụng nó để nâng các phiến đá lớn, và biết đâu trong tương lai, loài người cũng có thể vận dụng phương pháp này vận chuyển các vật liệu để xây nhà, hay chuyển đồ mà không cần mất sức thì sao nhỉ!